Để đảm bảo vụ lúa Đông xuân đạt thắng lợi, nông dân cần phải ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chú ý các đối tượng dịch hại chính có khả năng gây ảnh hưởng đến năng suất lúa Đông xuân 2012-2013 như sau:
- Ốc bươu vàng: do mực nước lũ thấp, OBV có điều kiện nhân mật số và gây hại cho lúa mới xuống giống, đặc biệt trên những ruộng trũng, xuống giống gặp mưa, không tiêu thoát nước tốt.
- Rầy nâu: Đợt rầy di trú từ 23/12/2012 đến 03/01/2013, mật số tăng nhưng không đồng đều do lúa Đông Xuân sớm (Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh) vào giai đoạn chín sắp thu hoạch, lứa rầy cám nở vào giữa tháng 01/2013 với mật số trung bình (750 – 1500 con/m2) và phát triển đến cuối tháng. Đặc biệt trong thời gian từ 10 - 20/02/2013 lứa rầy cám nở rộ với mật số cao đến rất cao và gây hại trên hầu hết diện tích, do rầy nở trùng với những ngày trước và ngay Tết Nguyên đán nên các trà lúa giai đoạn đòng trỗ nếu không phát hiện sớm và xử lý tốt có thể bị cháy rầy lúc sắp thu hoạch.
- Sâu cuốn lá: Dự báo ngay trước và sau Tết Nguyên đán sâu cuốn lá vẫn là đối tượng gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ, những ruộng sạ dầy, bón thừa phân đạm, phun xịt nhiều thuốc trừ sâu lúc đầu vụ có thể bị hại nặng.
- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá: do mầm bệnh vẫn còn rải rác trên hầu hết diện tích lúa Thu Đông muộn, nên nguy cơ bệnh xuất hiện và gây hại vẫn rất cao nếu lúa trong 20 ngày đầu sau sạ bị nhiễm rầy di trú.
- Bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông: thời tiết vụ Đông Xuân có nhiều sương mù, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, rất thích hợp cho nấm bệnh phát sinh, phát triển và hầu hết các giống lúa sử dụng phổ biến hiện nay đều bị nhiễm nên bệnh sẽ xuất hiện và gây hại trên diện rộng cho hầu hết các trà lúa, nhất là những ruộng sạ dầy, bón thừa phân đạm, bơm phân AMI-AMI có thể bị nhiễm nặng. Cao điểm bệnh gây hại khoảng giữa tháng 12/2012 đến tháng 02/2013.
- Bệnh cháy bìa lá: gây hại chủ yếu trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ, trên ruộng canh tác các giống lúa thơm đặc sản, nếp, OM 4900…, sạ dầy, bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng. Cao điểm bệnh gây hại khoảng tháng 01 đến tháng 02/2013.
- Bệnh đạo ôn kết hợp thối gốc vi khuẩn: gây hại nặng trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng trên giống OM 4218 và OM4900. Bà con nông dân cần phát hiện sớm bệnh để đưa ra giải pháp quản lý tổng hợp sau:
Æ Ruộng lúa đã nhiễm bệnh do vi khuẩn cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan. Bón 20-25 kg vôi/1000m2, sau đó tiến hành phun thuốc đạo ôn kết hợp với thuốc trừ vi khuẩn gồm các loại thuốc sau:
+ Thuốc trị đạo ôn: Beam 75WP, Vista 72.5WP, Filia 525SE, Ninja 35EC,…
+ Thuốc trị vi khuẩn: Starner 20WP, Asusu 20WP, Anti-XO 200WP, Xantocin 40WP, Xanthomix 20WP…
Æ Ngưng ngay việc bón phân đạm, tuyệt đối không kết hợp phân bón lá khi phun thuốc trừ bệnh. Chỉ bón phân sau khi đã xử lý tốt bệnh, quan sát thấy vết bệnh đã khô hoàn toàn.
Æ Phun thuốc trừ bệnh khi lá lúa đã ráo sương hoặc vào buổi chiều nhằm giúp thuốc bám dính tốt, sử dụng thuốc có tác động lưu dẫn, chọn loại béc phun thật nhuyễn để đảm bảo phun ướt đều lá lúa, lượng nước phun phải từ 3- 4 bình 16 lít/1000 m2. Cần luân phiên thay đổi các loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn.
Chú ý: Để đảm bảo sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, bà con nên tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Acetamiprid từ khi lúa trỗ trở về sau. Áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật 1 phải 5 giảm vào sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.
(Nguồn Chi cục BVTV)